Ứng dụng thành công mô hình lò đốt rác thải công nghệ mới
Nguyễn Nhật Minh - 26/09/2020
Trước thực trạng môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm, huyện Cẩm Khể, tỉnh Phú Thọ đã mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng và đưa vào sử dụng lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ NFi-05. Sau thời gian áp dụng, mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, rất phù hợp với việc xử lý rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn trên địa bàn.
Hiện nay, việc xử lý rác thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn huyện vẫn tiến hành bằng hình thức chôn lấp thủ công, nhiều nơi thiếu đất chôn lấp rác thải tồn đọng không được xử lý khiến môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân nông thôn. Có địa phương tận dụng các ao, hồ và các vùng trũng để đổ rác thải, hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình kỹ thuật, gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm...
Sau khi nghiên cứu, huyện Cẩm Khê đã thí điểm đầu tư lắp đặt 1 lò đốt rác bằng không khí tự nhiên NFi-05, sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan, sử dụng công nghệ Nhật Bản, với công suất đốt 5 tấn rác/ngày. Địa điểm thực hiện dự án tại khu Bến Cảng, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê, trên diện tích đất 2.464m2. Dự án có tổng mức đầu tư 3,35 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2,85 tỷ đồng, ngân sách huyện 500.000 triệu đồng. Kinh phí mua thiết bị đốt rác là 2,35 tỷ đồng, số còn lại chi cho hạng mục làm nhà khung, đổ bêtông khu chứa rác, đường vào bãi rác, xây dựng nhà điều hành, san lấp đất và giải phóng mặt bằng.
Theo Phòng TN&MT huyện Cẩm Khê, lò NFi-05 có nhiều tính ưu việt là không sử dụng điện, khí gas hay xăng dầu để hoạt động mà dùng chính rác thải khô, nilong để làm mồi đốt (nhóm lò) kết hợp với các van điều chỉnh được thiết kế để điều chỉnh lưu lượng trong lò đốt. Khi đốt, nhiệt độ trong lò có thể đạt tới 650 độ C đến 1.000 độ C giúp rác cháy nhanh chóng (kể cả rác còn ướt) và không sinh ra khói. Đây là loại lò sử dụng công nghệ đốt 2 lớp, lớp thứ nhất khi rác mới được đưa vào đốt cháy tại buồng đốt đầu tiên thì các phế thải chưa đốt hết, tro, bụi và các loại khí được chuyển sang buồng khí đốt thứ 2. Tại đây, phế thải được đốt lần nữa để triệt tiêu khí độc, mùi, các chất thải, khói bụi.... không ảnh hưởng đến môi trường.
Đặc biệt, lò đốt có khả năng đốt liên tục 24 giờ/ngày, năng lượng của rác tạo ra trong quá trình cháy có thể ủ giữ nhiệt trong khoảng thời gian 1-1,5 ngày, do đó năng lượng này sẽ được tái sử dụng để đốt phần rác mới được đưa vào mà không cần phải nhóm lò. Tỷ lệ rác được đốt cháy hoàn toàn, đạt 80-85% khối lượng (phần còn lại là một số rác vô cơ như thủy tinh, gạch, đá… không đốt được). Lò sử dụng vật liệu bảo vệ, bảo ôn nên nhiệt độ ít thoát ra ngoài vỏ lò đảm bảo an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người vận hành làm việc.
Qua gần 2 tháng hoạt động thử nghiệm, công suất xử lý hiện nay đạt khoảng 4 tấn rác/ngày. Sau khi lò đốt đi vào hoạt động ổn định, công suất đã tăng lên tối đa 5 tấn/ngày, bước đầu đã giải quyết được những bức xúc về xử lý rác thải, đem lại cảnh quan, môi trường trong lành cho huyện.
Mô hình điểm lò đốt rác bằng không khí tự nhiên NFi-05 được ứng dụng thành công tại huyện Cẩm Khê rất phù hợp với điều kiện các làng, xã tại Phú Thọ. Để cải tạo môi trường nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn bằng không khí tự nhiên tại tỉnh Phú Thọ nên tiếp tục được nhân rộng.
Theo Monre
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: