Rác tràn ngập sau trận lũ lịch sử tại Quảng Bình
Nhật Minh Nguyễn - 07/11/2020
Rác tràn ngập sau trận lũ lịch sử
tại Quảng Bình
Trận lũ lịch sử đi qua để lại khối lượng bùn đất và rác thải rất lớn tại Quảng Bình. Rác tràn lan, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Tại các huyện vùng trũng là rốn lũ của tỉnh Quảng Bình như Lệ Thủy, Quảng Ninh..., lũ đi qua không những gây nguy hiểm, phá hoại nhiều tài sản của nhân dân mà còn để lại lượng lớn bùn đất, rác thải.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, trú Xã An Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, sau cơn lũ dữ, ngoài rác thải sinh hoạt còn có nhiều xác động vật chết trôi dạt và ứ đọng gần khu vực người dân sinh sống, bốc mùi hôi thối. Những ngày qua, thôn, xã đã huy động người dân cùng thu gom rác thải nhưng người dân không thể thu dọn triệt để, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.
Là một người dân vùng lũ, ông Hoàn nghĩ nếu muốn xử lý số bùn đất, rác thải đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, các cơ quan chức năng cần huy động phương tiện, hóa chất kịp thời xử lý vì số lượng rác thải rất lớn.
"Rác thải sau mưa lũ dồn về nhiều lắm, một số còn bốc mùi hôi thối. Vì bên môi trường chưa thu dọn kịp rác nên người dân cũng có tiến hành hỗ trợ thu dọn", ông Hoàn cho biết.
Những ngày qua, Ban Quản lý công trình công cộng huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy luôn trong tình trạng quá tải do lượng rác thải tăng gấp 5 đến 7 lần so với những ngày thường.
Theo ông Trần Văn Tuyên, Trưởng ban Quản lý các công trình công cộng huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), trên tất cả các địa bàn ngập lụt, lượng rác thải tăng lên so với bình thường. Trong rác thải có xác chết của động vật rất ô nhiễm.
"Hiện Ban Quản lý các công trình công cộng đang phối hợp với các xã tập trung thu gom rác tại các điểm tập kết của các xã. Huy động tổng lực kể cả thuê người ngoài, thuê xe tải, xe múc đưa rác lên xe và chở về bãi rác của huyện để xử lý", ông Tuyên cho biết.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, khi rác thải ứ đọng với nhiều xác động vật chết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Vì vậy, vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân sau lũ là vấn đề cấp bách cần thực hiện.
Được biết, ngành y tế cũng đã phân bổ hóa chất, thuốc men thiết yếu, trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng bị ngập lụt. Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tiến hành vệ sinh cơ sở khám chữa bệnh ngay sau khi nước rút để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
"Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường vệ sinh môi trường, tuyên truyền để cho người dân phòng chống dịch bệnh và cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh sau lũ lụt. Trước mắt, ngành y tế chủ động điều tiết nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị để kịp thời cấp cho các trạm y tế. Lên các phương án để phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra như sốt xuất huyết, tả lị thương hàn, mắt đỏ, bệnh ngoài da…" - ông Hải cho biết.
Theo Dân trí
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: