Danh mục tin tức

“Khủng hoảng” xử lý rác ở Trà Vinh

“Khủng hoảng” xử lý rác ở Trà Vinh: Trúng thầu xong, không đốt được rác

Cùng tham gia vào dự án rác thải, nhưng cả Sở TNMT tỉnh Trà Vinh và Vina Encorp đều không đánh giá được hiện trạng rác đang như thế nào, dẫn đến chuyện sau khi trúng thầu lại không đốt được rác; ngay cả vị trí đặt lò cũng không tính toán được.

Ngày 9.12, Sở TNMT tỉnh Trà Vinh cho biết, đến nay, dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác TP.Trà Vinh, chỉ mới đốt được hơn 16.000 tấn rác, tương đương hơn 12% trong tổng số 120.000 tấn rác cần phải xử lý.

Đây là hạng mục thuộc “Dự án Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP.Trà Vinh”, do Sở TNMT làm chủ đầu tư, tổng kinh phí thực hiện hơn 97 tỉ đồng, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Vina Encorp) là đơn vị trúng thầu, thi công bằng phương pháp đốt lượng rác cũ 120.000 tấn tồn đọng gần 30 năm qua tại bãi rác TP.Trà Vinh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án đã xảy ra nhiều sai phạm, tiến độ gói thầu không đảm bảo theo hợp đồng (báo Lao Động đã phản ánh). Việc dự án chậm tiến độ đã buộc tỉnh Trà Vinh gửi văn bản sang Cần Thơ nhờ hỗ trợ xử lý 30.000 tấn rác tại nhà máy đốt rác phát điện (huyện Thới Lai). Tuy nhiên đề nghị này đã bị Cần Thơ từ chối.

Đến nay, lượng rác đốt được tại bãi rác TP.Trà Vinh là rất thấp. Ảnh: P.V
Đến nay, lượng rác đốt được tại bãi rác TP.Trà Vinh là rất thấp. Ảnh: P.V

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Trà Vinh cho hay: “Cuối năm 2017, Sở ký hợp đồng với nhà thầu thực hiện phần dịch vụ đốt rác (đơn giá đốt rác 384.100 đồng/tấn), thời gian thực hiện 30 tháng, đến ngày 27.6.2020 là kết thúc hợp đồng (đã gia hạn đến tháng 6 năm sau).

Ông Hùng lý giải: Quá trình thực hiện dự án đã phát sinh nhiều khó khăn về vị trí đặt lò đốt rác. Do đây không phải đốt rác thông thường, đốt trần mà là “đốt kiểm soát”, khói và nước thải phải được xử lý. 

Theo ông Hùng, đến khi qua chỗ đặt lò mới, lại phát sinh thêm những bất cập khác. Đây là lượng rác cũ tồn tại gần 30 năm, nên một số đã phân hủy thành mùn, có cái đã thành đất, rất khó khăn trong việc đốt rác, phải đem từng mẻ ra phơi để giảm ẩm mới đốt được, rồi phải sàng lọc, phân loại,… làm chi phí đội lên 800.000 - 900.000đ/tấn, nhà thầu thu không đủ chi.

“Họ càng đốt càng lỗ nên đã cho dừng 11 lò nhỏ. Nhà thầu chỉ duy trì 2 lò đốt rác, trong đó 1 lò có công suất 100 tấn/ngày đêm, còn lại là 1 lò đốt công suất 70 tấn/ngày đêm, đã xây dựng xong đang vận hành để xông lò. Chúng tôi không thúc ép nhà thầu được cũng vì những khó khăn này”.

Một góc bãi rác TP.Trà Vinh trong quá trình xử lý của dự án. Ảnh: P.V.
Một góc bãi rác TP.Trà Vinh trong quá trình xử lý của dự án. Ảnh: P.V.

Ông Hùng nói và cho biết thêm: Tỉnh đã tính “đóng dự án mấy lần, nhưng nếu đóng sẽ phải khởi động lại hồ sơ từ đầu. Do vậy, tỉnh đã ra cơ chế cho Vina Encorp có thể hợp tác với nhà đầu tư khác để có cách xử lý nhanh hơn. Sau đó, đã có nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu dự án, nhưng họ nhận thấy việc xử lý rác cũ này không sinh lợi nên không ai tham gia”.

“Cần Thơ không đồng ý cho xử lý rác, thì chúng tôi sẽ làm thêm lò đốt, việc này chỉ chậm chứ không có chuyện bế tắc. Một bãi rác nguyên xi từ xưa giờ, bây giờ chúng tôi đã đốt 16.000 tấn, thì chuyện chỉ có thể tốt hơn chứ không thể nào xấu hơn được”, ông Hùng lý giải.

TAGS :

lò đốt rác, lò đốt rác công nghiệp, lò đốt rác gia đình, lò đốt rác không khói, lò đốt rác mini, lò đốt rác thải sinh hoạt, rác thải ở trà vinh, trà vinh

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

icon icon icon