HƯỚNG ĐI MỚI TRONG XỬ LÝ RÁC THẢI Ở TPHCM
Nhật Minh Nguyễn - 16/11/2020
HƯỚNG ĐI MỚI TRONG
XỬ LÝ RÁC THẢI Ở TPHCM
Hiện TP.HCM phải xử lý khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, cao điểm có thể đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày, tăng khoảng 5%/năm, dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày
Vận hành xử lý rác thải theo công nghệ mới sẽ giải quyết hết những vấn đề thường gặp trong xử lý rác thải truyền thống như: chi phí, diện tích đất bố trí bãi rác và vấn đề phát tán mùi hôi, nước rỉ rác...
Chôn lấp rác không còn lựa chọn ưu tiên
Đi kèm với quá trình phát triển, khối lượng rác thải ở TP.HCM liên tục tăng nhanh qua các năm. Ngoài con số về rác thải sinh hoạt, mỗi ngày TP.HCM còn phát sinh hơn 4.000 tấn rác thải rắn công nghiệp và 400 tấn rác thải nguy hại, trong đó có 45 tấn rác thải y tế.
Thực tế cho thấy, rác thải sinh hoạt ở TP.HCM chủ yếu có nguồn gốc hữu cơ, rác có độ ẩm cao... Hầu hết loại rác thải này không được phân loại tại nguồn, gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp đang áp dụng phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, chi phí cao…
Bên cạnh đó, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, rác được chôn lấp, tăng nguy cơ gây ô nhiễm, trong khi lượng rác này có khả năng tái chế, tái sử dụng. Có thể nói, công nghệ chôn lấp hay sản xuất phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng gia tăng khối lượng rác thải tại TP.HCM.
Hiện nay, hầu hết các đô thị ở Việt Nam đều xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp. Về lâu dài thì vẫn có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, phát sinh côn trùng, ruồi muỗi và mùi hôi… đâyy chính là các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Vận hành xử lý chất thải tiên tiến, triển vọng
Từ thực trạng trên, TP.HCM đang thay đổi phương thức xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt rác phát điện. Theo đó, một số bãi rác bằng công nghệ chôn lấp trước đây đã và sẽ đóng cửa.
Gần đây, TP.HCM đã chấp thuận và đã khởi công 3 dự án: Nhà máy Xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Cụm nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi. Các nhà máy này đều dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020.
Theo các chuyên gia, công nghệ đốt rác phát điện có nhiều tính ưu việt hơn so với công nghệ chôn lấp truyền thống như ít chiếm diện tích, sản xuất ra điện, ít phát tán mùi hôi hơn, phù hợp với đô thị. Tuy nhiên, với công nghệ mới này, yêu cầu quan trọng là người dân phải chung tay phân loại rác tại nguồn. Nghãi là, rác phải được phân loại ngay tại nhà, thành 2 loại chính: rác tái chế và rác thải còn lại.
Đối với rác thải rác thải rắn công nghiệp và rác thải nguy hại, TP.HCM cũng cho xây dựng Nhà máy Xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày với mục tiêu là tái chế xử lý chất thải công nghiệp, các chất nguy hại từ các nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp; các phòng thí nghiệm của các trung tâm phân tích, viện, trường đại học; các cơ sở y tế; cơ sở chăn nuôi… Nhà máy còn phục vụ chương trình thu hồi xe cơ giới quá hạn sử dụng của quốc gia. Được biết, dự án này do Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị vào cuối năm 2020, vận hành chính thức vào khoảng tháng 9-2021.
Việc phát triển kinh tế luôn gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Với những nỗ lực mà TP.HCM đang thực hiện cộng với sự đồng hành giúp sức của người dân, chắc chắn vấn đề xử lý rác thải sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực hơn trong tương lai.
Theo Báo Pháp luật
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: